Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH). Nhìn chung, các ý kiến tán thành với sự cần thiết xây dựng luật, đồng thời đánh giá cao dự thảo luật mà cơ quan soạn thảo trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, chiều 19/6

Phòng cháy phải trước tiên

Theo Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội), thực tế gần đây cho thấy, tại ngay Thủ đô Hà Nội, hỏa hoạn xảy ra nghiêm trọng, khó lường. Qua những vụ cháy đều ghi nhận hình ảnh lực lượng công an PCCC đã rất dũng cảm để CNCH, kịp thời cứu sống nhiều nạn nhân.

Đồng thời, nhiều người dân cũng rất dũng cảm, nhanh trí, chấp nhận cả nguy hiểm tới tính mạng để cứu người trong các vụ cháy…, là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái, vì đồng bào.

Bên cạnh đó, công tác PCCC còn nhiều vấn đề tồn tại, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này để mang lại hiệu quả cao hơn, bảo vệ đời sống nhân dân.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị, phải chú trọng công tác tuyên truyền về PCCC, công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương có thành tích trong PCCC và CHCN nhiều hơn nữa.

Còn theo Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, qua các vụ cháy nhà dân ở Hà Nội gần đây, chẳng hạn như vụ cháy nhà cho thuê gây chết nhiều người ở Trung Kính (quận Cầu Giấy), có một nguyên nhân quan trọng là cháy ắc quy của xe máy điện. Chính vì vậy, việc xây dựng luật hướng đến phòng cháy là đầu tiên, sau đó mới là chữa cháy.

Luật cần quy định các biện pháp về phòng cháy đầy đủ, phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục, không chỉ giao trách nhiệm chính cho Mặt trận tổ quốc mà tất cả các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân… đều có trách nhiệm này.

Ngoài ra, nên quy định trong trường hợp có cháy thì phải phát huy, huy động tất cả phương tiện, có thể là cả lực lượng khác cùng tham gia chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cũng đề cập tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua. Nhiều vụ cháy xảy ra ở các thành phố lớn, khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng an ninh trật tự, đời sống xã hội, kinh tế nhân dân.

Ông đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn. Và việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về CNCH, đặc biệt là với những tại nạn, sự cố xảy ra hằng ngày, chưa đến mức xem là "thảm họa", thiên tai lớn là yêu cầu cấp thiết.

“Nơi đốt vàng mã” phải đảm bảo an toàn phòng cháy

Dẫn quy định về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở tại dự thảo là “Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy”, đại biểu Trần Thị Vân - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế người dân đốt vàng mã rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là ở các thành phố lớn với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Nữ đại biểu đề nghị bổ sung “nơi đốt vàng mã” phải bảo đảm an toàn phòng cháy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thì cho biết, năm 2019, Quốc hội giám sát tối cao đã chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế về PCCC. Điều ông băn khoăn là dự kiến luật được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nhưng chưa có dự kiến quy định ngày có hiệu lực thì tính cấp thiết ở đâu? Ông đề xuất những nội dung này phải đưa vào điều khoản chuyển tiếp.

Đề cập vấn đề PCCC với nhà ở kết hợp kinh doanh, ông cho rằng “tất cả các nhà mặt phố vi phạm hết, đóng cửa hết”. Vấn đề đặt ra là xử lý thế nào, như Hà Nội và TPHCM đặc điểm nhà ống, tầng dưới kinh doanh còn ở phía trên thì ngăn khói ra sao cũng phải tính toán cho phù hợp thực tế.

“Những cơ sở đã thiết kế xây dựng rồi thì khi luật có hiệu lực, các công tình có phải làm lại theo luật này không?” – ông nêu câu hỏi và nhấn mạnh cần quan tâm quy định chuyển tiếp.